Đào Duy Từ làm kẻ chăn trâu chờ thời
Đào Duy Từ dò la biết được quan khám lý Trần Đức Hoà vốn là người dòng dõi quý hiển, được chúa Nguyễn rất yêu quý, rất tin cẩn. Trần Đức Hoà được giao cho viêc cai quản Qui Nhơn, lo chu cấp quân lương, mọi việc đều thấu đáo, được chúa Nguyễn rất yêu tin. Từ biết Trần Đức Hoà có quen một điền chủ rất giầu. ông này ở thôn Tùng Châu, thuộc huyện Bồng Sơn tỉnh Quảng Nam. Điền chủ giao du rất rộng. Một hôm thấy có một thanh niên nhanh nhẹn đến xin nhận chăn trâu. Ông thấy mặt mũi khôi ngô ưa nhìn, liền nhận lời. Đào Duy Từ hỏi gia nhân, biết bữa ấy, ông chủ mời các văn nhân, mặc khách quanh vùng đến dự tiệc, liền đánh trâu về sớm.
Khi về thấy phòng khách hai bàn tiệc đã đông người. Một người đang đọc to lên một đoạn trong sách Đại học : Sách Tân Thể nói :”Ta mong được một vị đại thần cho thành tâm thật ý, dẫu chẳng tuyệt giỏi, nhưng trong lòng thanh sáng, không mảy may ham muốn riêng, như cái đức trời sẵn cho vậy. Thấy ai có tài, vui và mừng như thể mình có tài; biết ai thông minh hiền đức, mừng và mến chuộng như thấy khách quý. Người ấy làm đại thần không những khen ngợi những trang anh tài và những người thông minh mà còn bao dung và lo sao dùng được họ. Được người như thế thì việc giữ gìn con cháu ta, dân của ta, thật phúc đức, lợi ích vậy thay…”
Ông ta nói :
- Chúa Nguyễn đang mong có những bậc đại thần như thế đấy.
Mọi người trong bàn tiệc đều lấy làm thán phục, thì thấy Đào Duy Từ từ bên ngoài đi vào, đầu đội nón mê, tay cầm roi tre, đứng giữa nhà nói to lên :
- Học trò này xin được bàn thêm một lời.
Tiệc đang vui, điền chủ thấy Từ vào cũng ngạc nhiên, ngà ngà say ông nói đùa:
- Hay là bậc đại thần quan bác vừa nhắc đến trong sách Đại học là chính anh chàng chăn trâu nhà ta đây? ngươi có điều gì cứ nói.
Đa tạ ông chủ. Câu nói trên trong Đại học mới là câu mở đầu khi bàn về việc muốn bình được thiên hạ hãy giỏi trị ở đất nước, mảnh đất của mình. Nhưng chương này còn có một câu quan trọng nữa. Đó là câu này :”Bậc trị quốc như biết rằng trong nước mình ai là bậc hiền tài,nhưng không chịu cất nhấc, khi cất nhắc thì lại không sớm đưa họ lên xứng với tài đức của người ấy, đó là khiếm khuyết không chịu dùng người hiền,còn như biết kẻ hư đốn, tham nhũng mà không đuối họ đi, chẳng phải là dung túng kẻ ác hay sao? Vậy đã gọi là bậc quân tử ắt phải dùng hiền, bài kẻ ác, sao cho của cải trong nước càng nhiều, số người ăn sài phung phí càng ít; khuyến khích kẻ sinh lợi càng mau mắn siêng năng, hạn chế những kẻ tiêu hoang cần phải e dè nể sợ. Như thế tài sản trong nước sẽ đầy đủ, làm việc gì mà chẳng được”.