Đất Quảng được mùa liền


    Song quan án Nguyễn Thông không nản chí. Ba năm chuyên giữ chức bố chánh ở Quảng Ngãi, ông nhận được giao cho việc chăm lo nội chính, liền hô hào dân chúng đắp đập, đào kinh, làm thuỷ lợi. Nhờ có nước, đất Quảng được mùa liền. Quan Bố lại phạt roi, cách chức hàng loạt thuộc quan lợi dụng chức quyền ăn hối lộ cho  con nhà giàu trốn lính, lấy tiền thừa để mua vàng lụa tích trữ trong lúc điều động người đi đắp đập. Dân chúng hả hê nức lòng hưởng ứng. Họ gọi ông là Quan Bố, vừa là đúng chức vừa có ý kính trọng như cha mẹ. Họ chuyển bài thơ khuyên đào mương của ông thành điệu ca. Ông vô cùng xúc động, giữa đêm trăng ngồi trong quán dịch, nghe vọng về từ một cánh đồng gần, lời hô bài chòi của đám đông đang đào đắp mương phai. Họ đã phổ bài thơ: Khuyến hưng cừ của quan Bố thành bài hát đào mương và hát vang những câu hò dân dã:

Đất Quảng được mùa liền

Ruộng cao nước đã cạn
Trũng thấp nước còn vơi
Gần núi có mạch suối
Sớmliệu làm mương phai
Làm mưa bằng nhát cuốc
Thần là ta chứ ai
Nay mệt, mai nhàn hạ
Nay túng, mai thảnh thơi
Chí dời non, lấp biển
Náu trong tay thợ cày.
     Chuyến này ông dâng sớ tâu lên vua Tự Đức khẩn khoán được về trị nhậm Bình Thuận. Ai cũng lấy làm lạ. Kẻ dèm pha cho ông là kẻ thích chơi trội, hay chọn lấy đất dữ chứ không thích ngồi yên ổn ở những vùng đất cày cấy, buôn bán xa nơi binh lửa giao tranh… Người tốt bụng lấy cớ một tay sao chống nổi trời, khuyên ông nên ở với xứ Quảng, nơi dân chúng hết lòng mến mộ ông. Nhưng ông vẫn quyết chí xin đi bằng được.
    Bình Thuận là vùng đất bán sơn địa, người Kinh, người Thượng, người Chàm ở lâu. Núi nhiều, trũng ít, biển uốn lượn gập ghềnh, hay sinh ra sóng to gió lớn. Rừng rậm âm u, cọp beo rất sẵn. Những huyện miền núi, đi kinh lý hàng tháng không hết. Nhưng tỉnh này là cái yết hầu của các tỉnh phía nam miền Trung giáp với đất nóng Lục tỉnh… Sáu tỉnh Nam Bộ triều đình đã nhường cho giặc cả rồi. Những nghĩa sĩ của Trương Định, Phan Văn Đạt, Nguyễn Hữu Huân, những đạo quân còn giữ được khí tiết của các võ tướng kiệt hiệt như Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Duy vẫn thường lấy đất này làm nơi tụ nghĩa… Nguyễn Thông đã ngầm sai người đến trước, chọn một vùng đất thích hợp, tiến có thể ra biển, lùi có thể vào núi, đất cát màu mỡ, dân tình thuần phác. Ông mở một điền trang tụ tập những người dân ly tán ở Lục tỉnh về. Người làm ruộng, người đi buôn, người dạy học, người đến trước làm chỗ dựa cho người đến sau. Tre nứa vốn sẵn, nhà cao cửa rộng thì khó, chứ dăm bảy gian nhà lá nào có khó gì…Nhờ có “Đồng châu xã” mà nhiều gia đình mất sạch ruộng nương, trâu bò, hoặc gia sản bị giặc Pháp đốt trụi, tịch thu, đến Bình Thuận đều có chỗ đứng chân.

Từ khóa tìm kiếm nhiều: danh nhan

Copyright © 2009 CÂU CHUYỆN DANH NHÂN