Ông Nguyễn phải đi sứ Trung Quốc
Tiệc tàn, công tử họ Nguyễn còn đi lang thang trong đêm trăng. Tiếng đàn, giọng hát cô Cầm như đuổi theo ông. Đám võ tướng Tây Sơn hồn nhiên, cởi mở, ám ảnh ông. Quốc biến, gia biến cùng một lúc. Gia thế của dòng họ Nguyễn không còn lấy mảy may ở Long Thành. Những ngày tới, anh em ông sẽ sống ra sao? Anh trai ông muốn ngả theo Tây Sơn. Ông ta đã đem gia nhân ra bên đường chào đón khi họ vào thành và sẵn sàng cộng sự. Ông lại có ý nghĩ khác. Thế là sẩy đàn, tan nghé… Đi, ở, về đâu, chốt lại đâu? Phải ra đất thánh này ư? Quê gốc trong kia, sao ông không dứt nổi bụi kinh thành?
Mấy ngày sau, ông Nguyễn nấn ná bên nhà anh ruột. Cô Cầm đã về hát bên nhà. Ông anh của ông Nguyễn rất hào hoa. Thú ham mê âm luật, thì nhà ông, người con trai nào cũng mắc. Khác với các đào hát, cô Cầm là một người độc đáo. Không phải ai cũng mời nổi cô hát! Nhưng cô nhận lời ngay anh em quan họ Nguyễn! Cô đến nhà đàn hát, ăn uống tự nhiên. Có đêm quá vui, cô vừa đàn, vừa hát, uống rượu. Rượu càng nồng, hát càng ngọt, đàn càng hay. Say quá, cô nôn mửa gục ngủ ngay bên cây đàn Nguyễn…
Rồi
quan chánh sứ cũng chợp mắt được! Giấc ngủ mệt mỏi, mộng mị. Sứ bộ vừa
được lệnh lên đường ngay, sớm hơn một ngày, để đúng ngày mồng một tết có
Mặt ở Nam Ninh. Đoàn tuế cống hối hả đi trong buổi sớm mai. Ông Nguyễn
sắp đi ra bờ sông Cái. Đã hăm bốn tết. Người đi lại tấp nập. Ông Nguyễn
vén rèm cáng nhìn ra. Dòng sông hoa đào bắt đầu từ phía ngoại ô vào chợ.
Những cô gái Nghi Tàm, áo mớ ba, mớ bảy, hai tay nâng cao hai cành đào
bích vào sát cổng chợ. Một luồng gió mát ào qua, chiếc cáng vùn vụt
ngược dòng người. Gương mặt, sắc hoa đầy vẻ tết nhất. Vậy mà, ông Nguyễn
lại phải đi sứ. Trôi chảy, ít nhất một năm mới về. Ta cố về để được ăn
tết sau, tại Thăng Long! Ông Nguyễn thầm hẹn, mắt không rời cành đào
bích nhìn thấy cuối cùng, một cành đào đẹp chưa từng thấy!
***
Ở lại bên Trung Quốc đúng một năm, việc tuế cống đã lo xong. Nỗi dọc
đường quá vất vả. Cái thú riêng cho ông Nguyễn là được du ngoạn những
nơi đất lạ ở nước ngoài. Đêm đêm, dưới ngọn bạch lạp, người hầu thường
thấy ông Nguyễn đọc sách, đi dạo, làm thơ. Ông ít nói. Trên đường về,
mọi công việc hầu như ông giao cho ông phó sứ. Ông ít muốn thù tạc với
người Thanh.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
danh nhân