Lễ điếu tế người tuẫn tiết


     Người ta lo lễ điếu tế người tuẫn tiết, đắp mộ giả, lập miếu thờ và phụ lão sở tại nguyện đèn nhang, hàng năm thăm viếng. Nguyễn Thông nhớ bạn, dẫu việc quân rất bận, cũng về thăm mộ. Trong bài thơ khóc người anh hùng ấy có những câu thống thiết: “Hùng lược vùi đáy đất. Ba quân khóc người xưa. Thương chết chôn bằng áo… Khí thiêng vẫn chói loà…” Ông ngồi bên mộ, nước mắt chan hoà, đọc to lên những câu thơ ấy, cũng là lời khoe người bạn cùng chí hướng, tâm đầu ý hợp.

Lễ điếu tế người tuẫn tiết 

     Cái chết của Nguyễn Duy, nghĩa khí của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, các cuộc chiến đấu oanh liệt của nghĩa dân, sĩ tử ở vùng ven đô, đã làm Nguyễn Thông tỉnh ngộ. Cái ý chí đánh giặc đến cùng trong ông đã thành máu thịt từ lâu, song ông nhận thấy sâu sắc rằng: với một kẻ đích hung hãn, mạnh giàu như giặc Pháp hiện nay, thì tốc quyết, tốc thắng” khó thành. Phải lo củng cố gốc nước, học hỏi những mưu lược sâu xa của cha ông từng đánh ngoại xâm ròng rã hàng chục năm trời, tăng cường võ bị, nuôi dưỡng sức dân, tích trữ lương thảo để kháng chiến thì mới mong thắng được quân giặc dữ tợn này.
     Những năm ngồi giữ chức ấn sát ở Khánh Hoà, nghiền ngẫm các bản án hình sự, ông ngẫm thấy, giữa lúc đất nước lâm nguy như vậy, mà bọn tham quan lại nhũng vẫn còn nhan nhản.Nhiều hầu, bá lo cướp ruộng đất của người nghèo, ăn chặn từng vạt đồi, từng lô ruộng. Ông dâng sớ lên nhà vua, nói rõ chuyện tăng thuế vô lối của bọn nha lại ở các huyện gần các người Chàm, người Mán, để vơ vét từng cân yến sào, cân hương trầm kỳ nam, mua rẻ đôi ngà voi bằng vài đấu muối. Nhân đó, ông tâu với Đức vua hãy ra sức cầu hiền, trị nhũng, giảm thuế cửa biển, cửa rừng, chăm lo đến mảnh ruộng, căn nhà nát của đám sinh dân. Bởi chính những người lính chết trận hiện nay sinh ra ở những ngôi nhà tồi tàn ấy, chứ không phải là con em ở các dinh, phủ lầu son gác tía. Triều đình đã im lặng không trả lời. Có thể là lá tấu đã bị ỉm đi từ các viên thị lang ở bộ Lễ, cũng có thể đến mắt vua, song biết bao nhiêu bản điều trần công phu khác, nào có được đáp ứng, huống hồ ý kiến của một ông cử nhân đất Lục tỉnh, mà các quan triều thường cho là nơi thô lậu chỉ biết kéo cày, kéo thuyền, chứ danh gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.



Copyright © 2009 CÂU CHUYỆN DANH NHÂN